Tuần khủng hoảng

Tuần khủng hoảng và những biến đổi về mặt tinh thần của bé trong năm đầu tiên

Tại sao bé khóc? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi thường gặp nhất đối với ba mẹ hay người chăm sóc trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc bé khóc lóc, cáu kỉnh có liên quan đến sự phát triển tinh thần của bé. Bộ não của chúng đột ngột thay đổi mạnh mẽ khiến các giác quan phát triển nhanh chóng. Đây được coi là một bước nhảy vọt về nhận thức, tinh thần khi bé trải qua các tuần khủng hoảng.

Trong năm đầu tiên, bé có thể trải qua khoảng 8 bước nhảy vọt.

1. Bước nhảy vọt 1, tương ứng với tuần khủng hoảng 1, từ tuần thứ 4: Thế giới của cảm giác

Ở giai đoạn này, mẹ sẽ cảm nhận bé có những thay đổi rõ rệt về các giác quan. Bé có quan tâm nhiều hơn đến thế giới xung quanh và có thể nhìn xa hơn với khoảng cách 20 đến 30cm. Bé cũng phản ứng nhiều hơn với bạn và những người khác. Khi khóc, bé cũng có thể chảy nước mắt nhiều hơn và thường xuyên hơn so với trước đây. 

Tuần khủng hoảng 1 với những thay đổi về giác quan

2. Bước nhảy vọt 2, tương ứng với tuần khủng hoảng 2 – từ tuần thứ 7: Thế giới của các khuôn mẫu

Ở thời điểm này, bé đã bắt đầu phân biệt những “mô hình” cố định của thế giới xung quanh. Bé sẽ phát hiện ra bàn tay của mình, ngạc nhiên nhìn chúng và vặn xoay  theo nhiều kiểu khác nhau. Trẻ sơ sinh cũng đã bắt đầu cảm nhận “một cách có ý thức” những việc chúng làm với cơ thể mình. Tuy vậy, tất cả những hành động của bé vẫn có vẻ khá vụng về. 

3. Bước nhảy vọt thứ 3, tuần khủng hoảng 3 – từ tuần thứ 11: Thế giới của những chuyển đổi suôn sẻ

Trong suốt năm đầu tiên, bé có thể học những điều vô cùng đơn giản mà đôi khi người lớn không nghĩ tới. Nhưng đối với trẻ sơ sinh, đó là những trải nghiệm thú vị và bé có thể làm được. Ở giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy những chuyển động của bé nhanh chóng hơn. Bé thích thú với các hoạt động và có thể phát ra những âm thanh trong quá trình chơi. Đó cũng là lý do trẻ sơ sinh thích chơi trò chơi máy bay, hoặc là được đu đưa trong vòng tay của mẹ… 

Tuần khủng hoảng thứ 3, bé thích thú hơn với các chuyển động, âm thanh

4. Bước nhảy vọt thứ 4, tuần khủng hoảng 4– từ tuần thứ 14: thế giới của những sự kiện

Đến thời điểm này, bé có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm và thậm chí tự mình thực hiện một loạt những hành động nhỏ. Ví dụ như làm nảy một quả bóng, vẫy bàn tay hoặc nắm lấy thứ gì đó. Bé cũng thích những bài đồng dao và những cử chỉ, hành động như “vỗ tay”. 

5. Bước nhảy vọt thứ 5 , tuần khủng hoảng 5 – từ 22 tuần: thế giới của các mối quan hệ

Khi được gần sáu tháng tuổi, em bé của bạn bước vào thế giới của “ các mối quan hệ”. Bé có khả năng nhận biết khoảng cách giữa con người và đồ vật, vị trí của mọi thứ trong một không gian với nhau: chẳng hạn như một khối trong hộp khối, phía sau, trên cùng hoặc bên dưới. 

Ở giai đoạn này, đôi khi bé sẽ đột ngột khóc khi bạn rời xa chúng một chút. Điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi, bé đã hiểu rằng mẹ đang dần xa cách, không còn kề cạnh bên mình nữa. 

Tuần khủng hoảng thứ 5, bé có thể khóc khi phải xa cách mẹ

6. Bước nhảy vọt thứ 6 – từ 33 tuần: thế giới của sự phân loại rõ ràng hơn

Bước vào tuần khủng hoảng này, bé sẽ dần biết phân biệt các sự vật, đồ vật  một cách rõ ràng hơn. Bé biết phân biệt một con chó và một con ngựa. Hoặc một con mèo đốm đen trắng không phải là một con bò. Điều này giúp bé học hỏi, khả năng quan sát, so sánh và ghi nhớ cũng phát triển hơn. Ở độ tuổi này, bé cũng thích được chơi với mẹ nhiều hơn, bé học hỏi được nhiều điều hơn về thế giới rộng lớn. Những hoạt động, trò chơi đó chính là cách để kích thích sự phát triển nhận thức và tư duy của bé.

Ở tuần khủng hoảng thứ 8 bé có thể phân loại sự vật rõ ràng hơn

7. Bước nhảy vọt thứ 7 – từ 41 tuần: Thế giới của trình tự

Ở tuần khủng hoảng này, bé sẽ học cách nhận biết và kiểm soát được trình tự của mỗi hành động, sự việc. Ví dụ như ăn cháo bằng thìa có nghĩa là cầm lấy thìa, đặt thìa vào cháo, múc một ít cháo lên thìa, đưa thìa lên và đưa vào miệng.

Tuy vậy, bé vẫn chưa thể hoàn thiện hết quy trình “ăn cháo bằng thìa”, nhưng bé đã có thể thực hiện được hai hoặc ba phần liên tiếp. Ví dụ như: cầm lấy thìa, cho vào cháo và vỗ nhẹ lên xuống. Nếu để bé tự làm, bé có thể làm rây cháo ra khắp nơi. Vậy nên một tấm vải hay giấy đặt phía dưới ghế sẽ giúp bạn không phải dọn dẹp nhiều. Ngoài ra, bạn cũng phải rất kiên nhẫn trước những hành đồng của bé. Và chắc chắn, theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của bé.

Tuần khủng hoảng thứ 8, bé có thể tự cầm thức ăn cho vào miệng

8. Bước nhảy vọt thứ 8 – từ 50 tuần – Thế giới của các chương trình

Ở giai đoạn này, bé có thể nhận thức được tên gọi của từng sự việc, hành động. Chẳng hạn như, bé đã biết được rằng nên đặt một chiếc đĩa bẩn vào nước, di chuyển bàn chải lên trên đĩa và đặt nó vào giá để nước chảy ra chính là “rửa chén”. Bé cũng sẽ rất thích thú khi được giúp mẹ làm việc này. 

Kết luận

Ở mỗi một giai đoạn tuần khủng hoảng, bé sẽ có những biến đổi rất rõ về nhận thức, tinh thần. Nhận biết được những thay đổi đó cũng là cách để mẹ có sự tác động với bé phù hợp, giúp bé phát triển một cách tốt hơn về tư duy, nhận thức. Vậy nên, hãy theo dõi những bài viết tiếp theo để có thể hiểu một cách chi tiết hơn những phát triển của bé qua từng thời kỳ khủng hoảng.

Bài viết cùng chủ đề