Tuần 21 là thời điểm vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Giai đoạn này, bé phát triển môi và mắt, đồng thời bé cũng sẽ cảm nhận được tiếng nói của mẹ. Chính vì thế, mẹ cần theo dõi tình hình của bé thường xuyên để kịp thời bổ sung dưỡng chất cho trẻ phát triển tốt nhất.
Sự phát triển của thai nhi ở tuần 21 như thế nào?
Thai nhi ở tuần 21 nặng khoảng 400g và có chiều dài khoảng 24,7cm (tính từ đỉnh đầu đến cuối mông). Thai nhi lúc này vẫn còn nhỏ nhưng đã có dáng vẻ của trẻ sơ sinh.
- Các bộ phận như mí mắt, môi, lông mày bắt đầu rõ nét.
- Chồi răng nhỏ ở giữa dưới lợi dần hình thành.
- Đường tiêu hóa phát triển hơn, bé sẽ nhận được lượng calo từ nước ối. Tuy nhiên, phần lớn chất dinh dưỡng mà bé nhận vẫn thông qua được nhau thai.
- Ruột bắt đầu sản xuất chất thải dính, phân xu,…
- Tủy xương tăng cường sản sinh các tế bào hồng cầu để sớm cung cấp oxy cho cơ thể thai nhi.
- Nếu thai nhi là bé gái, âm đạo đã hình thành đầy đủ và tiếp tục phát triển cho đến khi sinh.
- Gan và lá lách bắt đầu hoạt động và đảm nhận chức năng sản xuất tế bào máu.
- Giai đoạn này, xương tai của bé dần hoàn chỉnh nên bé đã có khả năng nhận biết được âm thanh bên ngoài.
- Bé đạp mạnh hơn, di chuyển nhiều hơn trong bọc ối, mẹ sẽ thấy bé không phải lúc nào cũng theo lịch trình sinh hoạt của mình.
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào ở tuần thai 21?
Ở tuần 21, mẹ sẽ thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi hơn về vóc dáng và nội tiết bên trong.
- Mẹ sẽ cảm thấy được đáy tử cung nếu đặt một ngón tay trên rốn khoảng 1 phân.
- Giai đoạn này mẹ có thể tăng cân nhiều nên sẽ có nguy có bị mắc chứng giãn tĩnh mạch. Đây là hiện tượng bình thường bởi lúc này nồng độ máu thay đổi. Ở một số thai phụ, tình trạng giãn tĩnh mạch sẽ làm xuất hiện các đốm màu tím hoặc màu xanh không đau ở chân. Một số khác, các tĩnh mạch sẽ sưng đau vào buổi tối nên khi ngủ cần dơ cao chân.
- Da tiết dầu nhiều hơn, mụn mọc nhiều trên mặt và các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này mẹ nên chú ý đến vấn đề vệ sinh và chăm sóc da nhiều hơn.
- Mẹ sẽ thấy được sự gắn kết giữa mình và bé ngày càng rõ rệt hơn và khó mà bỏ quên được chuyện đang mang thai.
Ở tuần thai thứ 21, mẹ cần làm gì?
- Cố gắng sắp xếp công việc để có thể nghỉ ngơi đầy đủ xen kẽ giữa các ngày làm việc, cố gắng thư giãn và tận hưởng quá trình mang thai.
- Mẹ nên uống ít nhất 6 cốc nước mỗi ngày và không uống trà, cà phê
- Ăn các loại trái cây ít ngọt như cam, dứa,…
- Ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin B cho cơ thể
- Bổ sung sắt mỗi ngày để tránh tình trạng thiếu máu khi mang thai. Một số loại thực phẩm giàu sắt dành cho mẹ bầu thịt bò, tôm, hàu, rau bó xôi, rong biển,… Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung sắt.
- Hạn chế sử dụng đồ chứa cafein vì chúng sẽ làm giảm hấp thu sắt cho cơ thể.
- Tập các bài tập có cường độ nhẹ nhàng như đi bộ, yoga. Mỗi ngày mẹ hãy đi bộ ít nhất 30 phút để kích thích sự hoạt động của nhu động ruột, phòng ngừa táo bón.
- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi để bé phát triển tốt hơn, đi giày bệt, tránh đứng quá lâu hoặc ngồi bắt chéo chân.
- Đối với tình trạng giãn tĩnh mạch, mẹ có thể cải thiện bằng cách tập thể dục thường xuyên, nằm nghiêng về bên trái khi ngủ.
- Nếu tình trạng rạn da nặng, mẹ có thể sử dụng các loại kem chống rạn dành cho mẹ bầu.
Một số xét nghiệm mẹ cần làm khi ở tuần thai thứ 21
Khi thai nhi được 21 tuần tuổi, mẹ cần làm những xét nghiệm và siêu âm thai sau:
- Xét nghiệm nước tiểu để đo lường hàm lượng đường và chất đạm trong cơ thể
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
- Đo kích thước của tử cung, kiểm tra chiều cao của đỉnh tử cung để chắc chắn mọi thứ đều bình thường.
Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ biết được ở tuần thứ 21, thai nhi phát triển và có thể mình thay đổi như thế nào. Tuy có nhiều sự thay đổi trên cơ thể nhưng mẹ đừng có lo lắng quá nhé! Hãy luôn giữ tinh thần thật thoải mái và đảm bảo sức khỏe trong thời gian này.